Tập theo… trào lưu!
Tập yoga ngày càng được nhiều người yêu thích, kể cả người dân ở đô thị hay các tỉnh thành. Yoga hiện nay không chỉ đơn giản là tập động tác với hít thở tĩnh tại chỗ như ban đầu du nhập vào nước ta mà ngày càng được phát triển với nhiều loại hình phong phú nhằm đáp ứng nhu cầu của người học như yoga với bóng, yoga gậy, nhảy sexy, nhảy phương Tây, nhảy liên khúc, nhảy tập thể… Các cơ sở tập yoga mọc lên như nấm sau mưa khắp mọi nơi, từ các trung tâm thể hình đến các văn phòng công sở, nhà văn hóa… Cứ nơi đâu có mặt bằng là có thể biến thành một lớp học yoga.
Yoga được chứng minh là có lợi ích song yoga không hẳn phù hợp với thể trạng, sức khỏe của tất cả mọi người hoặc nếu tập luyện chưa đúng cách, sai kỹ thuật sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường. Chị Trần Thị Hạnh, phố Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, chị bị chấn thương nhẹ ở tay sau một lần ngã xe, một số bạn bè của chị khuyên nên đi tập yoga, chị nghe theo và đăng ký một lớp tập yoga. Tuy nhiên vì lớp học do thầy giáo người Ấn Độ dạy, chị lại không hiểu tiếng Anh nên không thể hiểu những điều thầy nói, hướng dẫn trong từng động tác mà chỉ tập theo. Tập được hai tuần chị thấy tay mình càng đau hơn, không thể cử động như bình thường đành dừng tập đi kiểm tra bác sỹ. Bác sỹ kết luận chị bị giãn dây chằng bởi hoạt động mạnh bất thường làm gia tăng áp lực lên tay trong khi tay vẫn đang bị tổn thương từ trước.
Hay một trường hợp khác đi tập yoga chỉ vì đây là môn học đang “mốt” nên tập luyện một cách qua loa, có tâm lý chỉ muốn nhanh chóng thực hiện các kỹ thuật khó mà không biết rằng căn bản, mấu chốt nhất của yoga không phải là kỹ thuật mà chính là điều hòa hơi thở, hít thở đúng cách. Chị Ngô Thị Huyền Thanh, phố Đồng Bông, quận Cầu Giấy, Hà Nội kể, do tập luyện nóng vội, quá sức nên sau vài buổi chị đã cố tập động tác trồng cây chuối, đây là động tác rất khó đòi hỏi người tập cần có thời gian tập luyện nhuần nhuyễn mới thực hiện được. “Do nóng vội muốn tập nên chưa kịp trồng được cây chuối thì tôi bị ngã. Cú ngã nặng khiến tôi bị đau lưng dữ dội phải nghỉ gần 3 tuần, kết hợp với dùng thuốc giảm đau mới đỡ”, chị Huyền Thanh kể. Một trường hợp khác là chị Dương Thị Nga, phố Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội, bản thân bị thoái hóa đốt sống cổ song vẫn tập các động tác đè nặng áp lực lên cổ và ngửa cổ hết sức khiến tình trạng thoái hóa càng trầm trọng hơn.
Chưa kể, theo tìm hiểu phóng viên được biết hiện các phòng tập, lớp tập yoga không có sự phân loại học viên mới tập và đã tập thời gian dài, các bài tập dùng chung cho mọi đối tượng, do vậy một số bài tập có thể phù hợp với nhóm tập thời gian dài xong không phù hợp với người mới nhập môn yoga. Tại nhiều phòng tập, mạnh thầy, thầy đếm, mạnh trò, trò tập cho có mà chưa có sự hướng dẫn, chỉ bảo động tác chuyên nghiệp. Bên cạnh đó do bất đồng ngôn ngữ nên hầu như các học viên chưa hiểu hết các ý cũng như kỹ thuật cụ thể giáo viên hướng dẫn mà chỉ nhìn và tập theo.
Ông Daman, người Ấn Độ, huấn luyện viên của một phòng tập tại Cầu Giấy, Hà Nội- người đã có thâm niên dạy yoga 5 năm tại Việt Nam cho biết, hiện do phong trào tập yoga nở rộ nên nhiều người Việt cũng đăng ký tập luyện một thời gian và trở thành giáo viên dạy yoga. Tuy nhiên do chưa tìm hiểu sâu, chưa thấm được đạo lý yoga nên một vài huấn luyện viên không có đủ kiến thức về cơ thể sinh học của con người khi dạy yoga. Những giáo viên này không thể xác định được người tập đã thực hiện sai ở đâu, họ không biết điều chỉnh bài tập cho những người đã từng bị chấn thương. “Tập yoga tại phòng tập mà chưa đúng cách đã là sự nguy hiểm song hiện nay có nhiều trường hợp tự tập yoga tại nhà theo hướng dẫn qua các video trên mạng, điều này càng nguy hiểm hơn bởi người tập không thể biết được căn bản của kỹ thuật mà chỉ đơn thuần là tập theo động tác, sai đúng đều không tự nhìn ra. Nếu chẳng may tập sai mà không ai hướng dẫn sẽ ảnh hưởng khôn lường tới sức khỏe”, ông Daman cảnh báo.
Hệ lụy khôn lường
Các chuyên gia y tế cảnh báo tập yoga không đúng phương pháp sẽ có hại nhiều hơn lợi, vì có thể gây tổn thương dây chằng khớp háng, cổ tay, gối, cột sống cổ, cột sống thắt lưng dẫn đến thoái hóa khớp, thoái hóa cột sống, u hoạt dịch cổ tay, hội chứng ống cổ tay nhanh và sớm hơn người bình thường. Do vậy khi tập yoga nên tập với giáo viên có chuyên môn mới chỉnh sửa được từng động tác, tư vấn được cách tập phù hợp với từng đối tượng. Nếu thấy đau sau khi tập thì nên đi khám bác sỹ càng sớm càng tốt. Chị Nguyễn Thị Vân- huấn luyện viên một phòng tập trên phố Trần Thái Tông, Cầu Giấy cho rằng tập luyện yoga đòi hỏi người tập phải tự nguyện lựa chọn và có ý chí quyết tâm đi tới cùng. Bên cạnh đó phải tập luyện đúng phương pháp và kỹ thuật, đi từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp, mỗi động tác phải phân chia ra nhiều bước với thời gian thích hợp, tốt nhất là phải có giáo viên hướng dẫn một cách chu đáo và tỉ mỉ. Nếu không thực hiện chuẩn xác, yoga có thể đem lại những tai biến không đáng có về xương khớp, tiềm thức, hệ thần kinh, hệ tuần hoàn...Ví như tập luyện sai sẽ dẫn đến trầm cảm, ám ảnh hoặc rơi vào trạng thái phấn khích quá đà dẫn đến mất ngủ, tâm trạng bồn chồn, thay đổi tính nết...“Do đó, trước khi chọn yoga để rèn luyện sức khỏe, người tập cần nắm rõ quy luật của bộ môn này, khi tập, cần đúng động tác, không nên quá sức chịu đựng. Người tập cũng cần cho hướng dẫn viên biết tiền sử tình trạng sức khỏe của mình để biết cách tập thế nào là phù hợp”, chị Vân nói.
Cũng theo các huấn luyện viên, có rất nhiều lưu ý dành cho người tập yoga. Trước hết, cũng như tập luyện khí công dưỡng sinh, yoga đòi hỏi người tập phải kiên trì và nhẫn nại. Yoga không có hiệu quả, thậm chí là phản tác dụng với những ai “ăn xổi ở thì” và lười biếng. Do vậy khi tập luyện yoga phải thực hiện tốt 4 không là không vội vã, không kỷ lục (không nên bị thúc ép hoặc gắng gượng), không quá sức (biết dừng lại ở khả năng vốn có của mình mà cố gắng) và không phân tán (tập trung cao độ). Và sau cùng theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, người tập nên tập yoga tại các trung tâm, phòng tập uy tín để nhận được sự hướng dẫn chuyên nghiệp, tránh được những nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe.
Viết bình luận